Khái niệm tồn tại xã hội, ý thức xã hội và các hình thái ý thức xã hội

Khái niệm “tồn tại xã hội” và “ý thức xã hội” phản ánh hai mặt vật chất và tinh thần của xã hội.

Nội dung bài viết bao gồm:

  • a. Khái niệm “tồn tại xã hội” và các yếu tố cơ bản của tồn tại xã hội
  • b. Ý thức xã hội và hai trình độ phản ánh của ý thức xã hội
  • c. Các hình thái ý thức xã hội

a. Khái niệm “tồn tại xã hội” và các yếu tố cơ bản của tồn tại xã hội


Khái niệm “tồn tại xã hội” dùng để chỉ mặt sinh hoạt (hoạt động) vật chất và các điều kiện sinh hoạt vật chất của xã hội; tức là các điều kiện vật chất khách quan quy định sự sinh tồn, phát triển của xã hội.
Xét về thực chất, hoạt động vật chất của xã hội chính là hoạt động thực tiễn mà trước hết và cơ bản là hoạt động sản xuất ra của cải vật chất để duy trì sự sinh tồn và phát triển của xã hội; đồng thời, gắn liền với hoạt động đó còn là quá trình hình thành, phát triển của các hình thức, phương thức giao tiếp, trao đổi kết quả của sản xuất vật chất giữa con người với nhau cũng như giữa các cộng đồng xã hội khác nhau.
Các điều kiện vật chất khách quan quy định sự sinh tồn và phát triển của mỗi xã hội bao gồm nhiều yếu tố có quan hệ biện chứng với nhau, trong đó có ba yếu tố cơ bản là điều kiện tự nhiên, dân cư và phương thức sản xuất; trong đó, phương thức sản xuất là yếu tố cơ bản và trực tiếp nhất quy định sự sinh tồn và phát triển của con người và xã hội.
Điều kiện địa lí tự nhiên với tư cách là yếu tố cơ bản tạo thành tồn tại xã hội – đó là toàn bộ những điều kiện vật chất tự nhiên tạo thành những điều kiện khách quan cho sự sinh tồn và phát triển của cộng đồng người trong lịch sử. Một cách hiển nhiên, không thể có cộng đồng người nào, dù là xã hội nguyên thủy hay xã hội hiện đại, có thể tồn tại ngoài những điều kiện vật chất tự nhiên nhất định. Giới tự nhiên là “thân thể vô cơ” của con người. Chính từ trong điều kiện tự nhiên mà con người có thể thực hiện quá trình trao đổi chất, tiến hành sản xuất, cung cấp những điều kiện vật chất đảm bảo sự sinh tồn và phát triển của mình.
Yếu tố dân cư bao gồm toàn bộ các phương diện về số lượng, cơ cấu, mật độ phân bố, cấu trúc tổ chức dân cư….tạo thành điều kiện vật chất khách quan đảm bảo cho sự sinh tồn và phát triển của xã hội. Thí dụ, cấu trúc cư dân nông nghiệp lúa nước ở Việt Nam, với tổ chức làng xã ổn định có những khác biệt khá lớn so với cách thức cấu trúc dân cư của các cộng đồng dân du mục thường xuyên di động. Sự phân bố và tổ chức dân cư trong xã hội nông nghiệp truyền thống cũng có sự khác biệt cơ bản với xã hội công nghiệp – thị trường ở các nước có trình độ sản xuất vật chất phát triển cao. Trong các xã hội nông nghiệp truyền thống, tổ chức dân cư thường phân tán, tách biệt với quy mô nhỏ, đó là các mô hình “công xã nông thôn” (mô hình tổ chức làng, bản…), việc quan hệ trao đổi hàng hóa rất hạn chế, chỉ là sự liên kết ngẫu nhiên. Ngược lại, trong các xã hội công nghiệp phát triển gắn kết với phương thức kinh tế thị trường, tổ chức dân cư cũng có những biến đổi cơ bản. Đó là quá trình di dân làm hình thành nên những khu công nghiệp và thành thị với quy mô lớn, nhằm tạo ra những điều kiện tiền đề khách quan cho quá trình phát triển nền sản xuất vật chất hiện đại.
Các yếu tố thuộc về điều kiện tự nhiên và dân cư là những yếu tố tiền đề cho việc xác lập một phương thức sản xuất nhất định, đồng thời các yếu tố đó cũng biến đổi theo yêu cầu khách quan của sự vận động, phát triển các phương thức sản xuất trong lịch sử.
Phương thức sản xuất là yếu tố cơ bản và trực tiếp quy định sự sinh tồn, phát triển của mỗi con người cũng như của toàn bộ cộng đồng xã hội, quy định trực tiếp phương thức hoạt động vật chất của mỗi xã hội. Phương thức sản xuất nào cũng được tạo nên từ hai mặt, đó là mặt vật chất – kĩ thuật của quá trình sản xuất (biểu hiện tập trung ở trình độ phát triển phương thức kĩ thuật, công nghệ) và mặt kinh tế - xã hội của quá trình ấy (thể hiện tiêu biểu ở trình độ phát triển của phương thức tổ chức kinh tế). Trong hai mặt đó, mặt kinh tế - xã hội phụ thuộc tất yếu vào trình độ phát triển của mặt vật chất – kĩ thuật; nó trực tiếp quy định tính chất và trình độ phát triển của một tồn tại xã hội nhất định.
Thí dụ, phương thức sinh tồn cơ bản và truyền thống của cư dân người Việt trong lịch sử là phương thức kĩ thuật canh nông lúa nước với trình độ công cụ và lao động thủ công (xét về mặt phương thức kĩ thuật). Thích ứng với phương thức kĩ thuật đó là phương thức tổ chức kinh tế với quy mô nhỏ và phân tán theo nguyên lí lấy tổ chức kinh tế hộ gia đình cùng cấu trúc tổ chức “công xã nông thôn” hay làng xã truyền thống làm cơ sở (phương thức tổ chức kinh tế). Giữa các công xã đó chỉ có sự liên kết không thường xuyên qua hình thức trao đổi hàng hóa dư thừa tương đối để đảm bảo sự cân bằng trong sinh hoạt vật chất giữa các cộng đồng người. Phương thức tổ chức kinh tế ấy là cơ sở trực tiếp quy định tính ổn định theo nhịp điệu tuần hoàn lặp đi lặp lại giữa các chu kì theo tính chất mùa vụ của quá trình sản xuất và tái sản xuất trong nền sản xuất nông nghiệp truyền thống. Trong lịch sử, người Việt Nam về cơ bản là theo phương thức sản xuất đó.
Giữa các yếu tố hợp thành tồn tại xã hội có mối quan hệ quy định và chi phối lẫn nhau, tạo nên sự biến đổi trong lĩnh vực hoạt động, sinh hoạt vật chất khách quan của mỗi cộng đồng xã hội. Trong đó, phương thức sản xuất là yếu tố cơ bản và trực tiếp nhất quy định trình độ phát triển của tồn tại xã hội. Khi phương thức sản xuất có sự phát triển nhờ những tiến bộ về kĩ thuật, công nghệ sản xuất, tất yếu sẽ dẫn tới những biến đổi trong việc sử dụng các nguồn lực tự nhiên và cơ cấu, phân bố dân cư để đảm bảo cho quá trình xác lập phương thức sản xuất mới.
Thí dụ, xuất phát từ tính chất đặc thù về điều kiện tự nhiên của đất nước, người Việt Nam trong lịch sử đã tiến hành quá trình sản xuất theo phương thức canh nông lúa nước. Để tiến hành quá trình đó nhất định con người phải liên kết lại dưới hình thức tổ chức lao động gia đình và tổ chức dân cư theo mô hình làng xã ổn định, bền vững. Sự kết hợp giữa ba yếu tố cơ bản đó tạo thành điều kiện khách quan cho sự sinh tồn và phát triển của người Việt Nam. Đó cũng chính là cơ sở hiện thực quy định những nội dung và tính chất cơ bản nhất trong đời sống tinh thần, truyền thống của người Việt Nam. Tuy nhiên, quá trình công nghệ hóa, hiện đại hóa trong sản xuất nông nghiệp hiện nay tất yếu dẫn tới sự biến đổi trong việc sử dụng các nguồn lực tự nhiên truyền thống và làm thay đổi cấu trúc nông thôn Việt Nam sang một hình thức mới, trên cơ sở đó dẫn tới sự biến đổi, phát triển đời sống văn hóa – tinh thần của nông thôn mới và con người mới.

b. Ý thức xã hội và hai trình độ phản ánh của ý thức xã hội

Khái niệm: ý thức xã hội, ý thức cá nhân và ý thức giai cấp
Khái niệm ý thức xã hội dùng để chỉ mặt tinh thần của đời sống xã hội, nảy sinh từ tồn tại xã hội và phản ánh tồn tại xã hội; bao gồm trong đó toàn bộ đời sống tư tưởng và tâm lí xã hội, được biểu hiện phong phú trong sinh hoạt tư tưởng, văn hóa, tập quán…của mỗi cộng đồng xã hội.
Thuộc về đời sống tinh thần của xã hội, ý thức xã hội không tự tồn tại cảm tính như các hình thức tồn tại của vật chất tự nhiên mà phải thông qua các hình thức văn hóa của xã hội. Thông thường có thể nhận biết nó qua ba hình thức cơ bản và phổ biến: 1) Các sinh hoạt tư tưởng mang tính học thuật như: sinh hoạt chính trị, pháp luật, khoa học… của cộng đồng xã hội; 2) Các sinh hoạt văn hóa của cộng đồng và xã hội như: sinh hoạt lễ hội truyền thống, tôn giáo, nghệ thuật…; 3) Các tập tục và nếp sống mang đặc trưng văn hóa của mỗi cộng đồng người.
Ngoài ra, ý thức xã hội với tư cách là “cái chung” thuộc đời sống tinh thần của cộng đồng xã hội còn biểu hiện trực tiếp qua nhận thức và nếp sống của mỗi cá nhân con người với tư cách là thành viên của nó. Trong trường hợp này, ý thức cá nhân tồn tại với tư cách là “cái riêng” trong đó có sự biểu hiện của “cái chung” là ý thức xã hội mà ít hay nhiều cá nhân đó đã tiếp nhận được từ sự giáo dục của xã hội.
Thí dụ, tình cảm yêu nước của dân tộc Việt Nam là cái chung, thể hiện một cách phong phú ở đời sống tình cảm và sinh hoạt của mỗi người Việt Nam trong lịch sử, với mức độ và phương thức biểu hiện khác nhau ở mỗi con người cụ thể, ở mỗi hoàn cảnh cụ thể.
Ý thức giai cấp và tính giai cấp của ý thức xã hội.
Khái niệm ý thức giai cấp dùng để chỉ ý thức đặc thù của mỗi giai cấp, phản ánh địa vị và lợi ích của mỗi giai cấp đó trong xã hội. Thí dụ, có sự đối lập giữa ý thức hệ tư tưởng của giai cấp tư sản và hệ tư tưởng của giai cấp vô sản, phản ánh địa vị và lợi ích căn bản đối lập giữa hai giai cấp ấy trong đời sống xã hội.
Khác với khái niệm ý thức giai cấp, khái niệm tính giai cấp của ý thức xã hội là khái niệm dùng để chỉ tính chất của ý thức xã hội trong điều kiện mỗi cộng đồng người có sự phân hóa thành các giai cấp nhất định. Thí dụ, trong một cộng đồng dân tộc có sự phân hóa giai cấp thì ý thức dân tộc đó cũng có tính giai cấp và bị chi phối bởi tính giai cấp.
Trong xã hội có sự phân hóa giai cấp thì ý thức của các giai cấp có sự ảnh hưởng qua lại với nhau. Trong nhiều trường hợp, đời sống tinh thần của giai cấp này không thể không chịu ảnh hưởng bởi những nhân tố thuộc đời sống tinh thần của các giai cấp khác. Thông thường, ý thức của giai cấp thống trị bao giờ cũng có ảnh hưởng lớn nhất tới ý thức của các giai cấp khác và giữ địa vị thống trị trong đời sống tinh thần của xã hội.
Mác và Ăngghen viết: “Giai cấp nào chi phối những tư liệu sản xuất vật chất thì cũng chi phối cả những tư liệu sản xuất tinh thần, thành thử nói chung tư tưởng của những người không có tư liệu sản xuất tinh thần cũng đồng thời bị giai cấp thống trị đó chi phối”.
Như vậy, khi nghiên cứu về ý thức xã hội, một mặt cần phân tích ý thức giai cấp với tư cách là hiện tượng ý thức đặc trưng, đặc thù của mỗi giai cấp nhất định; mặt khác, cũng cần phải phân tích tính giai cấp của ý thức xã hội, sự ảnh hưởng lẫn nhau về phương diện ý thức giai cấp mới có thể có được cách nhìn nhận đúng đắn về đời sống tinh thần phong phú của mỗi cộng đồng người.
- Hai trình độ phản ánh của ý thức xã hội
Có hai trình độ phản ánh của ý thức xã hội đối với tồn tại xã hội là trình độ phản ánh ở tầm tâm lí xã hội (tình cảm, khát vọng, ý chí….chung của cộng đồng xã hội) và trình độ phản ánh ở tầm các tư tưởng xã hội (các quan niệm, quan điểm chung, có tính chất phổ biến trong mỗi cộng đồng xã hội nhất định) mà hình thức phát triển cao nhất của nó là các học thuyết, các lí luận xã hội, cũng tức là sự phát triển của các tư tưởng xã hội đạt đến cấp độ là hệ tư tưởng xã hội.
Thí dụ, tình cảm yêu nước, ý chí độc lập tự cường, khát vọng độc lập, tự do…. của cộng đồng dân tộc Việt Nam là sự phản ánh ở trình độ tâm lí xã hội; còn chủ nghĩa yêu nước với những quan niệm, quan điểm về dân tộc độc lập, quyền tự quyết định vận mệnh dân tộc, không có gì quý hơn độc lập tự do… của cộng đồng dân tộc Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước là trình độ phản ánh ở cấp độ hệ tư tưởng xã hội. Toàn bộ đời sống tâm lí và tư tưởng xã hội ấy hợp lại thành tinh thần yêu nước của dân tộc Việt Nam.
Tâm lí xã hội là bộ phận ý thức xã hội phản ánh trực tiếp và tự phát đối với tồn tại xã hội, đối với hoàn cảnh sống khách quan của cộng động, được cấu thành từ các nhân tố tình cảm, khát vọng, ý chí… của các cộng đồng người nhất định. Thí dụ, tình cảm yêu quê hương đất nước, ý chí độc lập tự cường, khát vọng tự do… của cộng đồng người Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử là thuộc đời sống tâm lí xã hội.
Tâm lí xã hội khi đã trở thành yếu tố bền vững của một cộng đồng người thì nó thường được thể hiện trong các phong tục, tập quán…của cộng đồng đó. Khi đó chúng đã được văn hóa và trở thành các thành tố quan trọng trong nền văn hóa truyền thống. Thí dụ, trong truyền thống của người Việt Nam, tình cảm yêu nước, khát vọng độc lập, tình yêu quê hương xóm làng… đã được thăng hoa thành một nét đẹp truyền thống, được thể hiện qua các biểu tượng văn hóa, các lễ hội, các sinh hoạt văn hóa dân gian… Những yếu tố này giữ một vai trò hết sức quan trọng trong đời sống hiện thực của cộng đồng.
Tư tưởng xã hội là bộ phận ý thức xã hội phản ánh tồn tại xã hội một cách tự giác và gián tiếp; chúng tồn tại dưới hình thức là những quan niệm, quan điểm có tính chất phổ biến trong một cộng đồng người. Thí dụ, tinh thần yêu nước của người Việt Nam không phải chỉ được phân tích từ giác độ là tình cảm yêu nước, ý chí độc lập…mà còn được phân tích từ giác độ là những quan niệm, quan điểm về dân tộc và dân tộc độc lập… thậm chí có thể đạt tới tầm là chủ nghĩa yêu nước – tức hệ thống quan niệm, quan điểm nhất định. Như vậy, giữa khái niệm tư tưởng xã hội và khái niệm hệ tư tưởng xã hội là hai khái niệm thống nhất nhưng không đồng nhất. Về mặt ngoại diên, khái niệm hệ tư tưởng xã hội nằm trong khái niệm tư tưởng xã hội. Tư tưởng xã hội không nhất thiết ở tầm hệ tư tưởng xã hội, chỉ khi những quan niệm của con người đạt tới trình độ có tính hệ thống thì khi đó nó trở thành hệ tưởng xã hội. Thí dụ, những triết lí trong cuộc sống của một cộng đồng xã hội chưa phải là ở trình độ hệ tư tưởng xã hội nhưng nó không phải là yếu tố tâm lí xã hội với đặc tính phản ánh tự phát và trực tiếp đối với hoàn cảnh sống của cộng đồng.
Tâm lí xã hội và tư tưởng xã hội là hai lĩnh vực thuộc đời sống tinh thần của mỗi cộng đồng người nhất định nên có mối quan hệ biện chứng với nhau và đều cùng bị quy định bởi tồn tại xã hội của cộng đồng đó, do vậy giữa chúng có thể phát sinh mối quan hệ cộng hưởng. Tuy nhiên, đây là hai trình độ và phương thức phản ánh khác nhau đối với tồn tại xã hội nên giữa chúng cũng có thể phát sinh mối quan hệ loại trừ - bất cộng hưởng, có thể làm triệt tiêu các giá trị của nhau ở một mức độ nhất định và ở một số phạm vi nhất định. Thí dụ, trong tinh thần yêu nước của người Việt Nam thì giữa tình cảm yêu nước và tư tưởng yêu nước thường phát sinh quan hệ cộng hưởng, bổ sung cho nhau, được thể hiện song trùng và tích hợp trong mỗi hoạt động của cộng đồng. Ngay trong một lễ hội truyền thống của người Việt Nam đã có sự tích hợp và cộng hưởng giữa tình cảm và nhưng quan niệm, thậm chí có thể đạt tới những triết lí sống thể hiện những quan niệm về đất nước và dân tộc. Ngay trong “Bài thơ thần” tương truyền của Lý Thường Kiệt đã bao hàm trong đó cả khát vọng, ý chí và quan niệm thuộc tinh thần yêu nước của dân tộc Việt Nam.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng hệ tưởng xã hội không phải là cái được nảy sinh trên cơ sở tâm lí xã hội. Cũng không phải có tâm lí xã hội thì sẽ có được tư tưởng và hệ tư tưởng xã hội. Sở dĩ như vậy là vì phương thức hình thành của tâm lí xã hội và hệ tư tưởng xã hội là khác nhau. Vấn đề là ở chỗ, nếu tư tưởng xã hội và tâm lí xã hội có sự phù hợp với nhau thì sẽ phát sinh mối quan hệ cộng hưởng, ngược lại sẽ phát sinh mối quan hệ loại trừ.

c. Các hình thái ý thức xã hội

Phân tích đời sống tinh thần của xã hội thành các hình thái ý thức xã hội là một phương pháp tiếp cận phổ biến trong nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn. Phương pháp tiếp cận như vậy cho thấy tính chất phong phú của đời sống tinh thần của xã hội bởi vì mỗi hình thái ý thức xã hội đều có những đặc trưng riêng của nó. Đó là các hình thái ý thức xã hội đều có những đặc trưng riêng của n ó. Đó là các hình thái ý thực: chính trị, pháp quyền, đạo đức, tôn giáo, khoa học, thẩm mĩ… Mỗi hình thái ý thức xã hội đều bao gồm trong nó hai trình độ phản ánh là trình độ phản ánh tâm lí và trình độ phản ánh ở mức độ tư tưởng xã hội. Tuy nhiên, về cơ bản, các hình thái ý thức xã hội thường được phân tích ở trình độ là hệ tư tưởng xã hội.
- Hình thái ý thức chính trị
Hình thái ý thức chính trị là hình thái ý thức chỉ xuất hiện và tồn tại trong các xã hội có giai cấp và nhà nước, nó phản ánh các quan hệ chính trị, kinh tế, xã hội giữa các giai cấp, các dân tộc và các quốc gia, cũng như thái độ của các giai cấp đối với quyền lực nhà nước.
Hệ tư tưởng chính trị của một giai cấp nhất định phản ánh trực tiếp tập trung lợi ích giai cấp của chính nó. Hệ tư tưởng chính trị được thể hiện trong đường lối, cương lĩnh chính trị của các chính đảng của các giai cấp khác nhau cũng như trong luật pháp, chính sách nhà nước, công cụ của giai cấp thống trị. Hệ tư tưởng chính trị được hình thành một cách tự giác. Nó được các nhà tư tưởng của giai cấp xây dựng và truyền bá. Hệ tư tưởng chính trị gắn với các tổ chức chính trị. Thông qua các tổ chức chính trị mà một giai cấp nào đó tiến hành cuộc đấu tranh về ý thức hệ vì lợi ích của giai cấp của mình.
Ý thức chính trị (đặc biệt là hệ tư tưởng chính trị) có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển xã hội. Thông qua tổ chức nhà nước, nó tác động trở lại cơ sở kinh tế và có thể, trong những giới hạn nhất định thay đổi cơ sở kinh tế. Hệ tư tưởng chính trị cũng giữ vai trò chủ đạo trong đời sống tinh thần của xã hội, đồng thời thâm nhập vào các hình thái ý thức xã hội khác.
Tác động tích cực hoặc tiêu cực của hệ tư tưởng chính trị (cũng như ý thức chính trị nói chung) phụ thuộc vào tính chất tiến bộ, cách mạng hoặc phản tiến bộ, phản cách mạng của giai cấp mang hệ tư tưởng đó. Khi giai đoạn còn tiến bộ, cách mạng – tiêu biểu cho xu thế phát triển đi lên của lịch sử, thì hệ tư tưởng chính trị của nó có tác dụng tích cực đến sự phát triển xã hội. Khi giai cấp đó trở thành lạc hậu, phản động, thì hệ tư tưởng chính trị của nó tác động tiêu cực, kèm hãm sự phát triển xã hội.
- Hình thái ý thức pháp quyền
Hình thái ý thức pháp quyền là toàn bộ các tư tưởng, quan điểm của một giai cấp về bản chất và vai trò của pháp luật, về quyền và nghĩa vụ cho nhà nước, các tổ chức xã hội và công dân, về tính hợp pháp và không hợp pháp của hành vi con người trong xã hội, cùng với nhận thức và tình cảm của con người trong việc thực thi luật pháp của nhà nước.
Cũng như ý thức chính trị, ý thức pháp quyền ra đời cùng với nhà nước. Giữa hai hình thái này có sự gần nhau về cả nội dung và hình thức. Ý thức pháp quyền phản ánh trực tiếp các quan hệ kinh tế của xã hội, trước hết là các quan hệ sản xuất được thể hiện trong hệ thống pháp luật.
Trong xã hội có giai cấp, pháp luật là ý chí của giai cấp thống trị được thể hiện thành luật, do đó mỗi chế độ xã hội, mỗi nhà nước chỉ có một hệ thống pháp luật của giai cấp nắm chính quyền. Nhưng trong xã hội có giai cấp đối kháng, các giai cấp khác nhau lại có những ý thức khác nhau về pháp luật, phản ánh lợi ích của giai cấp mình. Do đó, hiệu lực của pháp luật không những phụ thuộc vào sức mạnh cưỡng chế của nhà nước mà còn phụ thuộc vào trình độ hiểu biết pháp luật của xã hội.
- Hình thái ý thức đạo đức
Hình thái ý thức đạo đức là toàn bộ những quan niệm, những hiểu biết và các trạng thái xúc cảm tâm lí chung của các cộng đồng người về các giá trị thiện, ác, lương tâm, trách nhiệm, hạnh phúc, công bằng… và về những quy tắc đánh giá, điều chỉnh hành vi ứng xử giữa cá nhân với xã hội, giữa cá nhân với cá nhân trong xã hội.
Hình thái ý thức đạo đức là một trong những hình thái ý thức ra đời từ rất sớm trong lịch sử, ngay từ xã hội nguyên thủy.
Sự ý thức về lương tâm, danh dự và lòng tự trọng… phản ánh khả năng tự chủ của con người là sức mạnh đặc biệt của đạo đức, là nét cơ bản quy định đạo đức của con người, cũng là biểu hiện bản chất xã hội của con người. Với ý nghĩa đó, sự phát triển ý thức đạo đức là nhân tố biểu hiện tiến bộ xã hội.
Trong ý thức đạo đức, yếu tố tình cảm đạo đức là yếu tố đặc biệt quan trọng, nếu thiếu nó thì những khái niệm, phạm trù đạo đức và mọi tri thức đạo đức thu nhận được bằng con đường lí tính không thể chuyển hóa thành hành vi đạo đức.
Trong tiến trình phát triển của xã hội đã hình thành những giá trị đạo đức mang tính toàn nhân loại, tồn tại trong mọi xã hội và ở các hệ thống đạo đức khác nhau. Đó là những quy tắc đơn giản nhằm điều chỉnh hành vi của con người, cần thiết cho việc giữ gìn trật tự xã hội chung và sinh hoạt thường ngày của mọi người.
Trong xã hội có giai cấp và đấu tranh giai cấp, nội dung chủ yếu của đạo đức phản ánh quan hệ giai cấp và có tính giai cấp. Trong các phạm trù đạo đức thường phản ánh địa vị và lợi ích của giai cấp. Mỗi giai cấp trong những giai đoạn phát triển nhất định của lịch sử xã hội đều có những quan niệm đạo đức riêng của mình. Giai cấp tiêu biểu cho xu thế phát triển đi lên của xã hội thì đại diện cho một nền đạo đức tiến bộ, còn các giai cấp phản động thì đại diện cho một nền đạo đức suy thoái. Ăngghen viết: “Xét cho đến cùng, mọi học thuyết về đạo đức đã có từ trước đến nay đều là sản phẩm của tình hình kinh tế của xã hội lúc bấy giờ. Và vì cho tới nay xã hội đã vận động trong những sự đối lập giai cấp, cho nên đạo đức cũng luôn luôn là đạo đức của giai cấp, hoặc là nó biện hộ cho sự thống trị và lợi ích của giai cấp thống trị, hoặc là, khi giai cấp bị trị đã trở nên khá mạnh thì nó tiêu biểu cho sự nổi dậy chống lại sự thống trị nói trên và tiêu biểu cho lợi ích tương lai của những người bị áp bức”.
- Hình thái ý thức khoa học
Với tư cách là một hình thái ý thức xã hội, hình thái ý thức khoa học là hệ thống tri thức phản ánh chân thực dưới dạng logic trừu tượng về thế giới đã được kiểm nghiệm qua thực tiễn. Đối tượng phản ánh của ý thức khoa học bao quát mọi lĩnh vực của tự nhiên, xã hội và tư duy. Đó là một trong những sự khác biệt giữa ý thức khoa học với các hình thái ý thức xã hội khác.
Hình thức biểu hiện chủ yếu của ý thức khoa học là phạm trù, định luật, quy luật,… Ý thức khoa học thâm nhập vào các hình thái ý thức xã hội khác, hình thành các khoa học tương ứng với từng hình thái ý thức đó. Thí dụ: Ý thức chính trị và chính trị học, ý thức đạo đức và đạo đức học, ý thức nghệ thuật và nghệ thuật học… Nhờ ý thức khoa học, con người không ngừng vươn tới cái mới, sáng tạo ra “thế giới nhân tính hóa” và ngày càng làm chủ tự nhiên, làm chủ xã hội và làm chủ bản thân mình.
Xét theo đối tượng nghiên cứu, có thể phân chia khoa học thành: khoa học tự nhiên; khoa học xã hội – nhân văn và khoa học về tư duy. Các khoa học đó đều có mục đích khám phá những quy luật vận động, phát triển của tự nhiên, xã hội và tư duy. Triết học là một khoa học bởi nó nghiên cứu những quy luật chung nhất của mọi tồn tại trong tự nhiên, xã hội và tư duy, xây dựng nên phương pháp luận chung cho việc nghiên cứu tự nhiên, xã hội và tư duy.
Trong mỗi khoa học có thể phân chia thành các cấp độ kinh nghiệm và lí luận (hay lí thuyết). Cấp độ kinh nghiệm là những tư liệu hiện thực đã tích lũy được qua sự tổng kết quan sát và thí nghiệm; lí luận là sự khái quát kinh nghiệm thể hiện trong những lí thuyết về quy luật và nguyên lí tương ứng. Cấp độ lí luận của các khoa học cụ thể kết hợp với nhau trong sự giải thích các nguyên lí và quy luật chung được phát hiện ở tầm nghiên cứu triết học, hình thành thế giới quan và phương pháp luận của toàn bộ nhận thức khoa học.
- Hình thái ý thức thẩm mĩ
Hình thái ý thức thẩm mĩ là sự phản ánh hiện thực vào ý thức con người trong quan hệ với nhu cầu thưởng thức và sáng tạo “cái đẹp”. Trong các hình thức hoạt động thưởng thức và sáng tạo cái đẹp thì nghệ thuật là hình thức biểu hiện cao nhất của ý thức thẩm mĩ.
Nghệ thuật ra đời từ rất sớm, ngay từ khi xã hội chưa phân chia thành giai cấp. Quá trình hình thành nghệ thuật gắn liền với lao động của con người, với thực tiễn xã hội. Những dấu vết đầu tiên của nghệ thuật đều thuộc về thời kì con người đã biết sản xuất ra những công cụ bằng đá, xương, sừng…
Cũng như các hình thái ý thức xã hội khác, nghệ thuật bắt nguồn từ tồn tại xã hội. Nếu khoa học và triết học phản ánh thế giới hiện thực bằng khái niệm, phạm trù, quy luật thì nghệ thuật lại phản ánh thế giới một cách sinh động, cụ thể bằng hình tượng nghệ thuật. Hình tượng nghệ thuật tuy cũng phản ánh bản chất của đời sống hiện thực nhưng phản ánh thông qua cái cá biệt, cụ thể - cảm tính, sinh động. Hình tượng nghệ thuật cũng nhận thức cái chung trong cái riêng, nhận thức cái bản chất trong cái hiện tượng, nhận thức cái phổ biến trong cái cá biệt, song cái cá biệt trong nghệ thuật phải là cái cá biệt có tính điển hình và nếu nhà nghệ thuật tạo ra cái điển hình thì phải là cái điển hình đã được cá biệt hóa.
Sự phát triển của nghệ thuật, cả về nội dung và hình thức, không thể tách khỏi sự phát triển của tồn tại xã hội. Nhưng nghệ thuật có tính độc lập tương đối rất rõ nét trong sự phát triển của mình. Nó không phải bao giờ cũng phản ánh tồn tại xã hội một cách trực tiếp, dễ thấy.
Nghệ thuật chân chính gắn bó với đời sống hiện thực của nhân dân; là nhân tố thúc đẩy mạnh mẽ tiến bộ xã hội thông qua việc đáp ứng những nhu cầu thẩm mĩ của con người. Khi phản ánh thế giới hiện thực trong các hình tượng nghệ thuật chân thực và có giá trị thẩm mĩ cao, nghệ thuật đã tác động đến lí trí và tình cảm của con người, kích thích tính tích cực của con người, xây dựng ở con người những hành vi đạo đức tốt đẹp.
Trong xã hội có giai cấp, nghệ thuật bao giờ cũng mang tính giai cấp. Tính giai cấp của nghệ thuật biểu hiện trước hết ở chỗ nó không thể k hông chịu sự tác động của thế giới quan, các quan điểm chính trị của một giai cấp, không thể đứng ngoài chính trị và các quan hệ kinh tế. Do vậy không thể phủ nhận được mối liên hệ giữa nghệ thuật và chính trị.
Khi nhấn mạnh tính giai cấp của nghệ thuật trong xã hội có giai cấp, quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin không phủ nhận tính nhân loại chung của nó. Không ít tác phẩm nghệ thuật mà giá trị của chúng được lưu truyền khắp thế giới qua các thời đại, mặc dù tác giả là đại biểu của một giai cấp nhất định. Có những nền nghệ thuật của một dân tộc nhất định nhưng đã trở thành những giá trị văn hóa tiêu biểu của cả nhân loại. Tính giai cấp của nghệ thuật cách mạng và tiến bộ không những không mâu thuẫn với tính nhân loại, mà ngược lại còn làm sâu sắc những giá trị toàn nhân loại.
- Hình thái ý thức tôn giáo
Ý thức tôn giáo với tư cách là hình thái ý thức xã hội bao gồm tâm lí tôn giáo và tư tưởng tôn giáo.
Tâm lí tôn giáo là toàn bộ những biểu tượng, tình cảm, tâm trạng thói quen của quần chúng về tín ngưỡng tôn giáo. Tư tưởng tôn giáo là các quan niệm, quan điểm tôn giáo do các giáo sĩ, các nhà thần học tạo ra và truyền bá trong xã hội. Đứng về mặt lịch sử, tâm lí tôn giáo và tư tưởng tôn giáo là hai giai đoạn phát triển của ý thức tôn giáo, nhưng chúng liên hệ, tác động qua lại và bổ sung cho nhau.
Ý thức tôn giáo là một hình thái ý thức xã hội thực hiện “chức năng đền bù hư ảo” trong một xã hội cần đến sự đền bù hư ảo. Chức năng đó làm cho tôn giáo có một đời sống lâu dài, một vị trí đặc biệt trong xã hội. Chức năng đền bù hư ảo nói lên khả năng của tôn giáo có thể bù đắp, bổ sung tâm lí hay tư tưởng cho cái hiện thực mà trong đó con người còn bất lực, chưa làm chủ được trước những sức mạnh tự nhiên và những điều kiện khách quan của đời sống xã hội. Những mâu thuẫn của đời sống hiện thực, những bất lực trong thực tiễn của con người được giải quyết theo phương thức đền bù hư ảo trong ý thức của họ. Vì vậy, trong lịch sử, tôn giáo đã từng được một số giai cấp thống trị sử dụng như một công cụ để thực hiện sự cai trị của nó.
Theo quan điểm của triết học Mác – Lênin, điều kiện tiên quyết để khắc phục những hạn chế của tôn giáo (với tư cách là một hình thái ý thức xã hội) là phải xóa bỏ nguồn gốc xã hội của nó, nghĩa là phải tiến hành một cuộc cách mạng xã hội triệt để nhằm cải tạo cả tồn tại xã hội lẫn ý thức xã hội. Bằng hoạt động tích cực cách mạng của mình, quần chúng không những cải tạo xã hội mà còn cải tạo bản thân, giải phóng ý thức mình khỏi những quan niệm sai lầm, những ảo tưởng tôn giáo trong đời sống tinh thần của chính họ. Mặt khác, trong ý thức tôn giáo cũng bao hàm những nhân tố tư tưởng tích cực cần được nghiên cứu, kế thừa và phát huy trong công cuộc xây dựng xã hội mới xã hội chủ nghĩa.
 

Thẻ